CẬP NHẬT
latest

728x90

468x60

Để tiếng sáo gần hơn với người trẻ

“Tại sao người trẻ bây giờ thấy xa lạ với cây sáo, thứ mà nhiều thế hệ đi trước từng xem như vật “bất ly thân”. Nhạc cụ của dân tộc không thể để mai một, phải gìn giữ…” - cả cuộc đời nghệ nhân Hồ Bằng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã dành trọn tình yêu với cây sáo như vậy. 


Và giờ đây, khi đã bước sang tuổi 64, ông lại âm thầm truyền dạy những kinh nghiệm của mình cho những ai muốn học sáo với suy nghĩ “để tiếng sáo đến gần với người trẻ.
Theo nghệ nhân Hồ Bằng, công đoạn uốn thẳng cho sáo rất quan trọng, nó tạo sự thoải mái cho nghệ sĩ lúc biểu diễn. Ảnh: Hữu Long

Tình yêu bắt đầu từ… đam mê

Xuất thân trong một gia đình gốc Huế có truyền thống nghệ thuật, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Hồ Bằng đã bị mê hoặc trước những tiếng réo rắt, ngân nga phát ra từ ống sáo.

Năm lên 10 tuổi, cậu bé Hồ Bằng sau mỗi lần đi học đều bị “níu chân” bởi tiếng sáo trong trẻo phát ra từ một nhà hàng xóm. Thích thú nhưng chẳng biết làm thế nào tìm được người dạy. Thế là nhiều ngày liền, Hồ Bằng nhốt mình trong nhà mày mò đục, khoét những ống sáo.

“Ngày còn nhỏ tôi chỉ tò mò tập tành vì thích nghe những âm thanh lạ tai thôi. Ban đầu tiếng sáo mình làm rất khó nghe, theo thời gian, tiếng sáo tôi làm hay hơn. Trưởng thành tôi tìm thêm các sách vở dạy nhạc lý, kỹ thuật cho tiếng sáo căng tròn, mềm mại, êm ái và du dương. Đam mê đến độ có bữa quên cả… ăn cơm” – nghệ nhân Hồ Bằng nhớ lại.

Rồi đất nước giải phóng, hòa cùng niềm vui của tổ quốc, nhiều đoàn văn công lưu diễn để cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Khi đoàn đến Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) biểu diễn, Hồ Bằng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều nghệ nhân nổi tiếng thời bấy giờ. Ông bảo mỗi lần các nghệ nhân biểu diễn xong, đợi lúc khán giả về hết, Hồ Bằng cố nán lại, tìm đến đằng sau cánh gà học hỏi kinh nghiệm.
Nguyên liệu làm sáo được chọn lọc khắt khe. Ảnh: Hữu Long 

“Cố NSƯT Đinh Thìn là thầy của tôi, mỗi lần gặp thầy, thầy Đinh Thìn đều vui vẻ chỉ bảo, đưa ra các lời khuyên và những điểm thiếu sót giúp tôi tiến bộ” – nghệ nhân Hồ Bằng cho biết.

Theo nghệ nhân Hồ Bằng, để làm ra một ống sáo tốt, trước hết người làm sáo phải là một người biết thổi sáo. Không những vậy, cái tinh tế của người làm sáo nằm ở cách xử lý ống sáo. Từ công đoạn chọn phôi ban đầu đến khi hoàn thành mất một ngày. Tất cả đều thực hiện thủ công, ít sử dụng máy móc.

“Nước ta sáo nguyên liệu chia làm ba loại cơ bản: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mỗi loại sáo ở từng miền có ưu điểm riêng chỉ người trong nghề mới am tường. Hàng tháng trời tôi phải tự mình tìm đến nhiều địa phương nổi tiếng có nguồn nguyên liệu tự nhiên tốt rồi đích thân chọn lọc. Có khi lội bộ và đóng trại nhiều ngày trong rừng mới tìm được nguồn sáo tốt” – nghệ nhân Hồ Bằng chia sẻ và cho biết thêm: Nếu như trong Nam người dân gọi là nứa, ngoài bắc gọi trúc thì ở Huế, tiếng địa phương gọi là cây mung, chỉ mọc trên đỉnh Bạch Mã quanh năm sương mù rất khó tìm. Khi thổi ống mung phát ra âm thanh đặc biệt, tiếng sáo thổi hòa cùng cảm xúc người nghệ sĩ, lúc trầm bổng, khi ngân nga xa gần.

Tre già măng mọc

Đứng trước thực tế giới trẻ ngày càng thờ ơ với các nhạc cụ dân tộc, năm 2011, nghệ nhân Hồ Bằng mở lớp dạy học thổi sáo miễn phí cho nhiều đối tượng. Ngày lớp học “khai giảng”, bên cạnh những học sinh, sinh viên quan tâm còn có những “học viên” lớn tuổi, đầu đã hai thứ tóc nhưng vẫn đến tìm hiểu, theo học. Thương thầy khó khăn, học trò trong lớp “rỉ tai” nhau, bỏ tiền mua sáo do thầy làm gọi là hỗ trợ kinh tế giúp thầy bớt khó khăn trong cuộc sống.

Thông qua những buổi giao lưu văn nghệ cộng đồng, nghệ nhân Hồ Bằng đều tham gia và chia sẻ kinh nghiệm. Ông thường ngồi lặng im một góc, lắng nghe những học trò biểu diễn. Kết thúc mỗi đợt, ông ân cần chỉ những chỗ được và các lỗi sai trong quá trình học trò thổi để tự hoàn thiện. Nghệ nhân Hồ Bằng tâm sự: “Bộ môn sáo trúc giờ đây không quá xa lạ với nhiều người. Không chỉ nằm vẻn vẹn trong khuôn khổ các trường nghệ thuật mà tiếng sáo trong dân gian vẫn còn sôi nổi lắm. Quan trọng chúng ta biết khơi dậy tình yêu với cây sáo trong giới trẻ, tạo ra nhiều sân chơi để các bạn có cơ hội giao lưu, thể hiện mình”.

Hiện nay, kỹ thuật làm sáo đã phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Một người làm sáo nếu áp dụng triệt để công nghệ, mỗi ngày cho ra hàng trăm cây sáo không khó. Nhưng phương pháp thủ công vẫn được nghệ nhân Hồ Bằng gìn giữ, ông bảo hơn 40 năm nay ông hoàn toàn sử dụng đôi tai để cảm âm cho sáo, cộng với kỹ thuật được rèn luyện theo thời gian. Chính vì vậy, cây sáo do nghệ nhân Hồ Bằng làm ra nổi tiếng độc đáo về thẩm mỹ và cả chất lượng. Đông đảo người quan tâm từ khắp nơi vẫn tìm về để học hỏi từ ông đều được ông vui vẻ truyền đạt lại.

Nghệ nhân Hồ Bằng luôn khuyên những người mới bắt đầu thổi sáo nên tìm đến và thử sức với bộ môn sáo trúc vì đây là nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Không hề có một sự lai căng hay pha tạp nào. “Chơi sáo trúc chính là gìn giữ bản sắc quê hương, đất nước. Thời phong kiến, dân gian chỉ có một ống trúc được khoét đơn giản mà tạo ra âm thanh chính xác tuyệt đối và sáng tạo ra những bản nhạc đi cùng thời gian thì bây giờ, thế hệ sau với sự thông minh, sáng tạo vốn có, lại được thừa hưởng “di sản” vô giá của tiền nhân sẽ bảo tồn và tiếp tục phát triển” – nghệ nhân Hồ Bằng khẳng định.

Theo Người Lao Động
« TRƯỚC
TIẾP »

Facebook Comments APPID